Bệnh Tổ Đỉa Ở Trẻ Em

Những vấn đề ngoài da như tổ đỉa có thể xuất hiện ở bất kỳ đối tượng nào, bao gồm trẻ nhỏ với nhiều nguyên nhân khởi phát khác nhau. Bệnh tổ đỉa ở trẻ em cần được chú trọng bởi người bệnh rất dễ gãi, cào, chà xát khiến nốt mụn vỡ ra, gây lở loét, bội nhiễm cùng nhiều biến chứng khác. Để biết rõ yếu tố hình thành bệnh, các dấu hiệu nhận biết cũng như cách điều trị và phòng ngừa cho con em của mình, bạn đọc đừng bỏ qua những thông tin quan trọng trong bài viết dưới đây. 

Tổ đỉa ở trẻ em là bệnh gì?

Tổ đỉa ở trẻ em là bệnh ngoài da thường gặp, đối tượng mắc bệnh chủ yếu là từ 6 tháng đến 6 tuổi. Đây chính là hiện tượng lớp thượng bì của da bị vi khuẩn, vi nấm tấn công gây viêm nhiễm, khi đó vùng da tổn thương sẽ xuất hiện các nốt mụn nước, mọc riêng lẻ hoặc tập trung thành từng đám, gây cảm giác ngứa ngáy vô cùng khó chịu.

Thông thường, sau một thời gian hình thành, mụn nước sẽ trở nên cứng hơn, bắt đầu xẹp dần và chuyển sang màu vàng da. Tuy nhiên tổ đỉa ở trẻ em có thể kéo dài dai dẳng và tái phát liên tục, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống của người mắc.

Bệnh tổ đỉa ở trẻ emcó thể kéo dài dai dẳng và tái phát liên tục
Bệnh tổ đỉa ở trẻ emcó thể kéo dài dai dẳng và tái phát liên tục

Nguyên nhân

Tương tự như bệnh tổ đỉa ở người lớn, tổ đỉa xuất hiện ở đối tượng trẻ em do nhiều yếu tố tác động. Phụ huynh nên tìm hiểu kỹ để biết cách phòng tránh, hỗ trợ con trẻ đẩy lùi các triệu chứng nhanh chóng.

  • Di truyền: Theo thống kê, có đến 10% trẻ nhỏ bị tổ đỉa là do di truyền, khi trong gia đình có ông bà hoặc bố mẹ từng bị bệnh trước đó. Nếu cả bố và mẹ đều mắc bệnh lý này thì khả năng cao đứa con sinh ra cũng bị tổ đỉa.
  • Cơ địa nhạy cảm: Đối tượng có cơ địa mẫn cảm, dị ứng dễ mắc tổ đỉa hơn người bình thường. Bởi vậy nếu trẻ bị bệnh có khả năng cao là do nhạy cảm quá mức với các dị nguyên trong môi trường sống.
  • Thời tiết: Khi thời tiết có sự thay đổi, chuyển mùa liên tục, nhiệt độ tăng giảm bất thường hoặc trời nồm, hanh khô, ẩm mốc cũng là những yếu tố gây bệnh tổ đỉa ở trẻ em vì chúng tác động trực tiếp đến làn da của trẻ nhỏ.
  • Thực phẩm: Nếu trẻ ăn một số loại thực phẩm có khả năng gây dị ứng như hải sản, đậu phộng cũng kích thích phản ứng của cơ thể và gây tổ đỉa.
  • Yếu tố khác: Ngoài những yếu tố kể trên, một số tác nhân hình thành bệnh tổ đỉa ở trẻ em đó là lạm dụng thuốc kháng sinh, tiếp xúc nhiều với hóa chất tẩy rửa, xà phòng, sữa tắm, bụi bẩn, lông động vật, phấn hoa,...

Triệu chứng bệnh tổ đỉa ở trẻ em thường gặp

Các triệu chứng của tổ đỉa rất dễ nhận biết, dù ở trẻ em hay người lớn, biểu hiện gần như không có sự khác biệt. Để có thể phân biệt với một số bệnh lý da liễu khác, đồng thời sớm có biện pháp cải thiện, phụ huynh nên chú ý theo dõi và đưa con trẻ đi thăm khám nếu thấy có những bất thường sau:

Triệu chứng điển hình là các nốt mụn nước đỏ trắng trên da
Triệu chứng điển hình là các nốt mụn nước đỏ trắng trên da

  • Mụn nước ở tay chân: Với những người bị tổ đỉa, các nốt mụn nước thường xuất hiện nhiều ở kẽ ngón tay, ngón chân, lòng bàn tay hoặc bàn chân. Ngoài ra mụn cũng có ở các vị trí khác nhưng ít hơn, mụn nổi rõ, cứng và có chứa nước bên trong, nếu vô tình làm vỡ, nước chảy ra gây xót. Các nốt mụn li ti đường kính khoảng vài mm, màu trắng đục, mọc sát nhau, tập trung thành từng đám.
  • Ngứa ngáy: Đây là triệu chứng điển hình của các bệnh ngoài da mãn tính, cơn ngứa có thể âm ỉ hoặc dữ dội tùy theo mức độ bệnh. Đặc biệt khi càng cào gãi cảm giác ngứa càng nhiều hơn, kèm theo cơn đau rát vô cùng khó chịu.
  • Da tấy đỏ: Bệnh tổ đỉa ở trẻ em sẽ khiến cho làn da của các bé sưng tấy, ửng đỏ nổi rõ so với vùng da bình thường. Trong trường hợp trẻ liên tục cào gãi làm xuất hiện vết xước, gây lở loét vô cùng nguy hiểm.
  • Triệu chứng khác: Những trường hợp trẻ nhỏ bị tổ đỉa thể nặng nhưng không được chăm sóc hoặc điều trị đúng cách sẽ gây sốt cao, nổi hạch ở vùng da mọc mụn nước.

Tổ đỉa ở trẻ nhỏ có nguy hiểm không?

Thực tế, tổ đỉa ở trẻ nhỏ không gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng của người mắc, tuy nhiên khi không có những biện pháp chữa trị từ sớm và ngăn ngừa tại nhà sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và tính thẩm mỹ của làn da, làm suy giảm chất lượng học tập, cuộc sống.

Rất nhiều trường hợp bé bị tổ đỉa với triệu chứng sốt cao, quấy khóc, mất ngủ, bỏ ăn hoặc bú, từ đó sụt cân nhanh, cơ thể suy nhược, còi cọc, làm cản trở sự phát triển của trẻ.

Bệnh tổ đỉa ở trẻ em khiến trẻ quấy khóc, bỏ ăn
Bệnh tổ đỉa ở trẻ em khiến trẻ quấy khóc, bỏ ăn

Đặc biệt nếu không có biện pháp chữa trị kịp thời, tổ đỉa sẽ gây ra những biến chứng như:

  • Bội nhiễm: Bội nhiễm chính là tình trạng da sưng tấy nghiêm trọng, các nốt mụn nước chứa mủ bên trong. Lúc này không chỉ ngứa ngáy mà trẻ còn bị đau nhức khó chịu. Nhiều trường hợp tổ đỉa ở trẻ nhỏ gây nổi hạch, rất đáng lo ngại.
  • Lichen hóa: Với các bé thường xuyên cào gãi, chà xát mạnh do ngứa ngáy sẽ tác động và làm nốt mụn vỡ ra, đồng thời lớp da ngày càng dày hơn và có hiện tượng bong sừng, dần dần chuyển sang màu thâm, mức độ ngứa dữ dội hơn. Bệnh Lichen hóa ảnh hưởng nhiều đến ngoại hình của trẻ, khiến bé tự ti khi lớn lên.

Do tiềm ẩn nhiều nguy hại, các phụ huynh cần chú ý theo dõi cơ thể con trẻ, ngay khi phát hiện những bất thường cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám và tìm cách điều trị phù hợp.

Tham khảo: Bệnh Tổ Đỉa Có Lây Không Và Cách Chữa Tốt Nhất Đừng Bỏ Qua

Biện pháp điều trị bệnh tổ đỉa ở trẻ em

Như đã nói, tổ đỉa mặc dù không đe dọa tính mạng nhưng sẽ làm giảm sức khỏe của người mắc, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ bội nhiễm, khiến trẻ đau đớn, ngứa ngáy khó chịu. Để khắc phục hiện tượng này, người ta thường áp dụng mẹo dân gian hoặc dùng thuốc Tây y, tùy theo mức độ bệnh khác nhau, biện pháp điều trị có thể không giống nhau.

Mẹo dân gian tại nhà

Rất nhiều phụ huynh có con bị bệnh tổ đỉa đã áp dụng mẹo dân gian sử dụng nguyên liệu tự nhiên để giúp con nhanh chóng đẩy lùi các triệu chứng. Phương pháp này được mọi người truyền tai nhau từ lâu, cho đến hiện tại vẫn mang đến hiệu quả cao, đảm bảo sự an toàn, không gây tác dụng phụ như dùng thuốc Tây y. Tuy nhiên mẹo dân gian chỉ áp dụng được cho trường hợp bệnh nhẹ, trẻ mới bị tổ đỉa và các triệu chứng chưa tiến triển nghiêm trọng.

Dùng lá lốt

Lá lốt là một trong những nguyên liệu phổ biến trong chế biến món ăn, đồng thời còn được dùng như một vị thuốc chữa bệnh da liễu, trong đó có tổ đỉa. Các thành phần trong loại lá này có khả năng kháng viêm, diệt khuẩn rất tốt, bên cạnh đó lá lốt còn có thể làm dịu tổn thương, ngăn ngừa nguy cơ bội nhiễm. Chữa bệnh tổ đỉa bằng lá lốt vô cùng đơn giản, áp dụng được cho nhiều đối tượng.

Lá lốt có tác dụng kháng viêm, diệt khuẩn, đẩy lùi triệu chứng của tổ đỉa
Lá lốt có tác dụng kháng viêm, diệt khuẩn, đẩy lùi triệu chứng của tổ đỉa

Cách thực hiện:

  • Bạn chuẩn bị 1 nắm lá lốt, rửa sạch và ngâm cùng nước muối pha loãng trong khoảng 15 phút.
  • Tiếp đến mang lá lốt đi giã nát hoặc xay nhuyễn.
  • Vệ sinh sạch vùng da bệnh của trẻ rồi đắp hỗn hợp này lên, cố định bằng băng gạc trong 15 phút, rửa lại với nước sạch.
  • Trong trường hợp bị tổ đỉa diện tích rộng, có thể nấu nước lá lốt để tắm cho trẻ cũng cho hiệu quả tích cực.

Chè xanh

Sử dụng chè xanh cũng là cách chữa bệnh tổ đỉa ở trẻ em hiệu quả và an toàn mà phụ huynh nên áp dụng. Người ta tìm thấy trong nguyên liệu này có chứa 6 loại polyphenol catechin với khả năng chống oxy hóa mạnh mẽ, đồng thời các thành phần trong lá chè còn giảm ngứa ngáy, đẩy nhanh quá trình lành thương, chống viêm tốt.

Cách thực hiện:

  • Bạn rửa 1 nắm lá chè xanh tươi, vò nhẹ.
  • Cho 1,5 lít nước vào nồi, đun sôi trong khoảng 10 phút.
  • Tiếp đến bạn cho nước ra chậu, pha cùng một ít nước lạnh để giảm bớt độ nóng.
  • Dùng nước này ngân rửa tay chân và vùng da đang bị tổ đỉa cho trẻ.
  • Thực hiện mỗi tuần từ 3 - 4 lần và kiên trì ít nhất 1 tháng sẽ thấy các triệu chứng giảm đáng kể.

Dùng gừng tươi

Gừng tươi hay khương sinh có vị cay, tính ấm, mang đến công dụng kháng khuẩn, chống viêm, tán phong hàn, giải độc rất tốt. Đặc biệt hoạt chất chính là gingerol và zingerone trong gừng còn giúp ức chế sản sinh prostaglandin - thành phần trung gian gây phản ứng viêm, tiêu diệt một số hại khuẩn và nấm men, ngăn ngừa bội nhiễm.

Cách thực hiện:

  • Đầu tiên chuẩn bị 1 củ gừng tươi, cạo vỏ, rửa sạch và thái lát.
  • Bạn đun sôi 2 lít nước, thả gừng vào và đun thêm 3 - 5 phút với lửa nhỏ.
  • Lúc này cho nước gừng ra chậu, pha thêm ít nước lạnh.
  • Nước gừng dùng để ngâm rửa tay chân và vùng da bị bệnh cho trẻ khoảng 15 phút, thực hiện hàng ngày để đạt được hiệu quả tích cực.

Dùng gừng tươi chữa bệnh tổ đỉa ở trẻ cho hiệu quả cao
Dùng gừng tươi chữa bệnh tổ đỉa ở trẻ cho hiệu quả cao

Thuốc Tây y

Trong trường hợp áp dụng mẹo dân gian không có hiệu quả hoặc trẻ nhỏ bị tổ đỉa mức độ nặng, ngứa ngáy dữ dội, thậm chí bị lở loét, phụ huynh nên đưa con đến gặp bác sĩ để được thăm khám, khi đó bác sĩ sẽ kê các loại thuốc phù hợp. Thuốc Tây y cho tác dụng nhanh chóng nhưng lại có khả năng cao gặp tác dụng phụ nếu lạm dụng hoặc dùng không đúng cách, do đó bạn nên thận trọng.

Thông thường có 4 loại thuốc trị tổ đỉa dạng bôi, uống được chỉ định dùng nhiều nhất đó là:

  • Thuốc kháng sinh: Nhóm thuốc này có thể chống nấm, diệt khuẩn, dùng cho trẻ nhỏ bị bệnh tổ đỉa kèm theo dấu hiệu nhiễm khuẩn và nấm. Thuốc kháng sinh có thể dùng theo đường uống hoặc bôi ngoài da.
  • Thuốc kháng Histamin: Nếu trẻ nhỏ ngứa ngáy dữ dội, khó chịu, quấy khóc thường xuyên, bác sĩ thường chỉ định dùng thuốc kháng Histamin để giảm nhanh cơn ngứa, ngăn ngừa dị ứng và nguy cơ bội nhiễm.
  • Thuốc bôi Corticoid: Thuốc được dùng trong trường hợp mụn nước đã tiêu, da bắt đầu khô và không còn dịch. Thuốc bôi Corticoid có khả năng chống viêm, ngăn ngừa dị ứng, tuy nhiên có thể gây teo da, giãn mao mạch, thậm chí hoại tử da nếu dùng sai liều lượng, do vậy phụ huynh cần hết sức thận trọng.
  • Dung dịch bôi: Các loại dung dịch bôi tổ đỉa sẽ được chỉ định cho trẻ nhỏ bị tổ đỉa đó là bạc Nitrat, Milian, cồn BSI hoặc hồ nước. Thuốc có tác dụng sát khuẩn, giảm ngứa ngáy, chống viêm nhiễm và tiêu diệt khuẩn hại. Tùy từng trường hợp cụ thể sẽ dùng loại thuốc phù hợp.

Sử dung dung dịch bôi cho trẻ theo đúng liều lượng được chỉ định
Sử dung dung dịch bôi cho trẻ theo đúng liều lượng được chỉ định

Tổ đỉa ở trẻ em nên ăn gì và kiêng gì?

Một trong những yếu tố tăng nguy cơ gây bệnh tổ đỉa ở trẻ em là thực phẩm. Theo các chuyên gia, chế độ ăn uống có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình tiến triển của bệnh. Do đó nếu muốn con nhanh chóng thoát khỏi những triệu chứng khó chịu, nhanh chóng đẩy lùi bệnh, phụ huynh nên thận trọng trong việc xây dựng thực đơn dinh dưỡng hàng ngày cho con.

Nếu trẻ bị tổ đỉa nên bổ sung những thực phẩm sau:

  • Thực phẩm giàu vitamin A, B, C: Vitamin đóng vai trò vô cùng quan trọng với hệ miễn dịch và sức đề kháng của trẻ. Do đó mẹ nên ưu tiên cho con ăn các loại rau có màu xanh đậm, bí đỏ, ngô, cam, quýt, bơ, chuối,...
  • Thực phẩm chứa men vi sinh: Nhóm thực phẩm này giúp tăng lợi khuẩn để tiêu diệt vi khuẩn có hại, từ đó giúp con ngăn ngừa bệnh tật, chống viêm nhiễm và cải thiện các triệu chứng tốt hơn.
  • Gia vị có tính kháng viêm: Mặc dù trẻ nhỏ thường không thích các loại gia vị như gừng, tỏi, hành, tuy nhiên thực tế chúng có khả năng kháng viêm mạnh mẽ, có tác dụng chống viêm, diệt khuẩn, tăng sức đề kháng và giảm kích ứng, do vậy phụ huynh nên bổ sung vào thực đơn ăn uống hàng ngày cho con.

Trường hợp bị tổ đỉa cần tránh những thực phẩm sau:

  • Đồ ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ: Nếu đang thắc mắc trẻ nhỏ bị bệnh tổ đỉa kiêng ăn gì, đồ ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ chính là câu trả lời. Đây là những thực phẩm làm tăng khả năng dị ứng, kích ứng, gây viêm nhiễm, khiến trẻ nhỏ ngứa ngáy khó chịu hơn.
  • Thực phẩm tanh: Đồ tanh như tôm, cua, trứng, hải sản không tốt cho trẻ bị tổ đỉa vì chúng chứa nhiều protein lạ, có thể gây rối loạn hệ miễn dịch ở người bệnh, khiến bệnh trở nặng hơn.
  • Đậu nành và chế phẩm từ đậu nành: Nhóm thực phẩm này cũng cần tránh nếu trẻ bị tổ đỉa vì lượng đạm thực vật trong đậu nành cao sẽ tăng cường kích thích các dị ứng và giảm tác dụng của thuốc.

Cho con tránh xa đậu nành và chế phẩm từ đậu nành
Cho con tránh xa đậu nành và chế phẩm từ đậu nành

Một số lưu ý chăm sóc và phòng ngừa bệnh cho trẻ

Tổ đỉa ở trẻ em thường có thời gian khỏi bệnh lâu hơn do trẻ nhỏ chưa ý thức được mức độ bệnh, không biết cách kiêng khem như người lớn. Lúc này phụ huynh phải liên tục theo sát, hướng dẫn con để có thể tăng hiệu quả điều trị và phòng ngừa:

  • Vệ sinh tay chân và cơ thể cho con mỗi ngày để loại bỏ vi khuẩn, bụi bẩn và các tác nhân gây hại.
  • Không sử dụng các loại sữa tắm, dầu gội chứa hóa chất có hại, ưu tiên dùng sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên.
  • Cho con trẻ mặc quần áo thoáng mát, thấm hút mồ hôi tốt sẽ hạn chế được khả năng bị bệnh.
  • Không để trẻ tiếp xúc với các dị nguyên như phấn hoa, lông động vật,...
  • Nhắc nhở trẻ nhỏ không gãi, cào, chà xát lên khu vực bị tổ đỉa để tránh làm trầy xước da và khiến bệnh trở nặng hơn.
  • Khuyến khích con uống nhiều nước, tập thể dục thể thao hàng ngày sẽ giúp bệnh tình được cải thiện tốt hơn.
  • Đưa con thăm khám bác sĩ ngay khi có những biểu hiện của bệnh để được chẩn đoán và có biện pháp điều trị từ sớm.

Bệnh tổ đỉa ở trẻ em không hiếm gặp, có thể tiềm ẩn nhiều nguy hại nếu không được can thiệp từ sớm. Bởi vậy, phụ huynh cần chú ý đến những bất thường của con để sớm có phương pháp cải thiện. Bên cạnh đó, nên giúp con xây dựng chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh sẽ phòng tránh tốt được chứng bệnh này.

Bệnh liên quan

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *